Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Đừng xét đoán (MDM)!

Những người theo MDM khi tranh luận thường viện dẫn câu lời Chúa về đưa ra các nhận định: “Đừng xét đoán, kẻo anh em bị xét đoán.” (Mt 7:1). Và dường như họ muốn tất cả chúng ta chấp nhận (một cách mù quáng!) các sứ điệp của MDM  bởi theo họ, người này là vị Tiên tri của Thời Đại Cuối Cùng.

Đúng là Kinh Thánh dạy chúng ta không được xét đoán người khác. Chúng ta không thể nhìn thấu được vào tâm hồn người khác, cũng như không biết được động cơ nào ẩn đằng sau các hành động của họ.
Tuy nhiên, Chúa muốn chúng ta phân biệt được thật và giả, điều thiện và điều ác. Theo Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, chúng ta có trách nhiệm trong các tội do những người khác phạm, khi chúng ta cộng tác vào các tội đó, bằng cách không tố cáo hoặc không ngăn cản các tội đó, khi có bổn phận phải can ngăn hoặc che chở những người làm điều xấu. (GL HTCG số 1868)

Chúng ta sẽ kiểm tra xem Kinh Thánh nói gì về về đánh giá, phê bình các lời dạy dỗ của người khác kiểu như của MDM.

1. Chúa khiển trách những người tin theo các tiên tri giả: (Kh 2:20-23)

“Nhưng ta trách ngươi điều này: ngươi dung túng I-de-ven, người đàn bà xưng mình là nữ ngôn sứ; nó mê hoặc các tôi tớ của Ta, dạy chúng làm chuyện gian dâm và ăn đồ cúng. Ta đã cho nó có thời giờ hối cải, nhưng nó không muốn hối cải mà từ bỏ thói gian dâm. Này đây, Ta bắt nó phải liệt giường, và làm cho những kẻ ngoại tình với nó phải lâm cảnh khốn khổ, nếu chúng không hối cải mà từ bỏ những việc chúng làm.”

2. Chúng ta cũng phải có trách nhiệm biện bác và sửa dạy. 

“Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành.” (2 Tm 3, 16-17)

“Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe.” ( 2 Tm 4, 2-4)

3. Cần tránh xa những người dạy những học thuyết sai lầm

“Thưa anh em, nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi truyền anh em phải tránh xa mọi người anh em sống vô kỷ luật, không theo truyền thống anh em đã nhận được từ nơi tôi.” (2 Tx 3,6)

“Những người theo bè phái, thì sau khi cảnh báo lần thứ nhất và lần thứ hai, anh em hãy loại đi, vì biết rằng mộ người như thế đã ra hư đốn, người ấy phạm tội và tự kết án mình.” (Tt 3, 10-11)

( ở đây, những người theo bè phái là những người lạc đạo, người theo một giáo thuyết sai lầm nào đó và gây chia rẽ trong Hội Thánh. Xem 1 Cr 5, 5)

“Thưa anh em, tôi khuyên nhủ anh em hãy coi chừng những kẻ gây chia rẽ và làm cớ vấp ngã, vì đi ngược lại với đạo lý anh em  đã học hỏi; anh em hãy tránh xa họ.” (Rm 16, 17)

4. Chúa muốn chúng ta cần xét đoán được mọi sự 

Trong thư 1 Cô-rin-tô, Thánh Phao-lô cho biết
“Con người sống theo Thần Khí thì xét đoán được mọi sự, mà chẳng có ai xét đoán được người đó.”

Xét đoán không phải là một tội, nhưng là một đặc điểm của những người sống theo Thần Khí.

Sa-tan luôn nói dối chúng ta vì nó muốn ta không xét đoán công minh .

5. Những người dạy học thuyết sai trái thì bị Phao-lô lên tiếng như này: 

“Nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống, loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi!” (Gl 1, 8)


Mát-thêu chương 7 cũng dạy chúng ta hãy canh chừng các ngôn sứ giả:

“Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với an hem; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. ….” ( Mt 7, 15-20). 

Ở đây, Chúa Giê-su muốn chúng ta phân biệt, nhận ra được các ngôn sứ (tiên tri) giả. Người biết rằng sẽ có những tiên tri và thầy dạy giả mạo xuất hiện với vẻ ngoài là chiên nhưng kỳ thực bên trong là sói để khiến các tín hữu đi lạc đường. Chúa Giê-su cho ta biết dấu hiệu để nhận ra những tiên tri giả này là hãy xem hoa trái của họ mà biết họ là ai.





Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

Cuốn kinh thánh mới của MDM


Điều gì khiến Kinh Thánh độc đáo, khác biệt với bất kỳ cuốn sách nào trên thế gian này?

Thưa, Kinh Thánh được như vậy là nhờ tác giả thực sự của sách là chính Thiên Chúa. 

Một trong những sứ điệp được phổ biến bởi MDM nói rằng bà ta phải viết một cuốn sách và tác giả thực sự của cuốn sách không phải là MDM nhưng là chính Thiên Chúa. Cuốn sách này có giá trị ngang bằng với Kinh Thánh và sẽ trở thành một phần trong Kinh Thánh.

Thật vậy, sứ điệp ngày 12 tháng 11 năm 2010 viết:


Con cần tất cả sức lực mà con có để viết Cuốn Sách này. Cuốn Sách này sẽ thay đổi cuộc sống, cứu được nhiều linh hồn và đã từng được tiên báo rồi. Quả thật, Cuốn Sách này là những gì đã được tiên báo. Con là người viết. Cha là Tác giả.

Con đừng ngạc nhiên hay bị choáng ngợp vì đây là một Sứ Vụ rất thiêng liêng và con đã được tuyển chọn để thực hiện công việc này cùng với Cha. Con sẽ phải dành ra ba tháng. Cha muốn con xuất bản Cuốn Sách này trên khắp thế giới.  Công Trình này phải có quy mô to lớn, đầy sức mạnh và phải được tìm kiếm bởi hàng triệu người, giống y như cuốn Kinh Thánh.
Một cuốn sách ghi lại mặc khải tư mà lại trở thành Kinh Thánh mới ư?  

Rõ ràng, luận điệu này hoàn toàn trái ngược với những gì mà Huấn Quyền của Hội Thánh dạy:

“Theo dòng lịch sử, đã xuất hiện những điều gọi là “mạc khải tư”, một số trong đó được thẩm quyền Hội Thánh công nhận. Tuy vậy, những mạc khải đó không thuộc kho tàng đức tin. Chức năng của chúng không phải là “cải thiện” hoặc “bổ xung” mạc khải vĩnh viễn của Đức Ki-tô, nhưng để giúp người ta, vào một thời điểm lịch sử nào đó, sống mạc khải của Đức Ki-tô cách trọn vẹn hơn.” (GLHTCG số 67)

Bên cạnh đó:

“Đức tin Ki-tô giáo không thể tiếp nhận “những mạc khải” nào muốn vượt cao hơn hay sửa đổi mạc khải đã được hoàn tất trong Đức Ki-tô. Một số tôn giáo ngoài Ki-tô giáo và một số giáo phái được sáng lập gần đây đặt nền tảng trên “những mạc khải” như thế.” (GLHTCG số 67)

Công đồng Vatican II cũng cho ta biết:

Khi Giáo Hoàng Roma, hoặc Giám Mục Ðoàn cùng với ngài, phán quyết một điều gì, thì các ngài tuyên bố điều ấy theo chính Mạc Khải mà các vị ấy phải trung thành tuân giữ. Mạc Khải trong Kinh Thánh hay trong Thánh Truyền đều được truyền lại trọn vẹn nhờ sự kế vị hợp pháp các Giám Mục và nhất là nhờ sự quan tâm của chính Giáo Hoàng Roma. Nhờ Thánh Thần Chân Lý, Mạc Khải ấy được gìn giữ cách cẩn trọng và trình bày cách trung thực 45. "Ðể có thể khảo sát đứng đắn và trình bày cách thích hợp Mạc Khải này, Ðức Giáo Hoàng và các Giám Mục làm việc cẩn thận bằng phương tiện thích hợp, tùy theo nhiệm vụ và tầm quan trọng của sự việc" 46; nhưng các ngài không nhận được một Mạc Khải công khai mới nào thêm vào kho tàng thần khải của đức tin” (Hiến chế Lumen Gentium số 25).

Vatican II minh nhiên cho biết không có bất kỳ Mặc Khải công khai mới nào được thêm vào kho tàng Đức Tin.

Như vậy, sứ điệp của MDM nói về một cuốn sách mới có tác giả là chính Thiên Chúa và có giá trị ngang bằng Thánh Kinh là một sứ điệp giả mạo.


Những sứ điệp như thế không thể xuất phát từ Thiên Chúa vì nó trái ngược với những điều Hội Thánh dạy.